Theo FAO, sản lượng khai thác thủy sản dự kiến sẽ tăng chỉ khoảng 1% tính đến năm 2025, do thực tế hầu hết các nghề khai thác biển trên thế giới đều được khai thác triệt để và do đó không có khả năng tăng sản lượng.
Theo báo cáo của FAO, tổng sản lượng khai thác từ đánh bắt tự nhiên sẽ đạt 94 triệu tấn vào năm 2025, tăng so với mức 93 triệu tấn trung bình trong giai đoạn 2013-2015. Lý do chủ yếu là hầu hết các trữ lượng đều bị khai thác triệt để.
10 loài có năng suất cao nhất chiếm khoảng 27% tổng sản lượng thủy sản đánh bắt toàn cầu vào năm 2013. Hầu hết trữ lượng các loài này đều được khai thác triệt để và do đó không có khả năng tăng sản lượng, trong khi một số loài cá bị đánh bắt quá mức và tăng sản lượng chỉ khi trữ lượng phục hồi thành công.
Theo FAO, yếu tố then chốt trong việc duy trì mức sản xuất hiện tại của các đại dương trên thế giới sẽ làm giảm tình trạng đánh bắt quá mức và tăng tỷ lệ trong các mức độ bền vững về sinh học. Mặc dù 68,5% trữ lượng cá tự nhiên trên thế giới năm 2013 được đánh bắt trong môi trường bền vững về mặt sinh học, FAO ước tính 31,5% trữ lượng cá được đánh bắt quá mức vào năm 2013. Tổng số này bao gồm 41% trữ lượng cá ngừ - một trong những loài cá quan trọng nhất trên thế giới .
Những yếu tố chủ yếu khác cho việc sản xuất thủy sản ổn định liên tục bao gồm giá dầu giảm, sự phục hồi trữ lượng cá hiện đang nằm trong kế hoạch quản lý, giảm lượng phế thải và chất thải (ước tính của FAO từ 27 đến 35% cá đánh bắt bị loại bỏ kể từ khi đánh bắt đến khi tiêu thụ), và hiệu quả ngày càng tăng trong sản xuất bột cá.
Ngoài ra, các nhà sản xuất bột cá và dầu cá tăng thị phần nhờ những "phụ phẩm" từ chế biến cá - chẳng hạn như đầu, đuôi, xương và bộ phận nội tạng. Số lượng bột cá được sản xuất từ những phụ phẩm này dự đoán sẽ tăng từ 29% - mức trung bình của năm 2013 đến 2015 - lên 38% vào năm 2025. Tổng sản lượng bột cá và dầu cá lần lượt là 5,1 triệu tấn và 1 triệu tấn; tăng 15% so với mức trung bình 2013-2015. FAO ước tính rằng 96% mức tăng trưởng đó là nhờ việc tận dụng những phụ phẩm này.
Mặc dù có những hạn chế về năng suất, nghề khai thác tự nhiên sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong ngành thủy sản và cung cấp cho người dân thế giới. Báo cáo cho biết tiếp tục công việc cải thiện tính bền vững sản lượng đánh bắt trên thế giới là điều quan trọng không chỉ để duy trì mức sản xuất thủy sản hiện tại, mà còn để đạt được mục tiêu nhân đạo trong việc giảm nghèo.
FAO cho biết, tiến bộ trong việc bảo đảm tính bền vững trong ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản và sự đóng góp của ngành trong cuộc chiến chống đói nghèo và phát triển kinh tế xã hội là rất quan trọng.
Những câu chuyện thành công, chẳng hạn như việc khôi phục nghề đánh bắt cá ở Namibia, trữ lượng bào ngư ở Mexico, và các luật hạn chế đánh bắt quá mức ở Australia, Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ, là bằng chứng cho thấy những tiến bộ và sự cải thiện trong ngành.
Báo cáo kết luận, những câu chuyện thành công chứng minh rằng các trữ lượng bị đánh bắt quá mức có thể được khôi phục và việc khôi phục sẽ mang lại năng suất và lợi ích kinh tế xã hội.