Mục tiêu của lớp tập huấn là lựa chọn và đào tạo các giảng viên để tổ chức tập huấn cho 13 tỉnh trong khuôn khổ hỗ trợ của Chương trình FSPSII, bên cạnh đó, qua lớp tập huấn sẽ thống nhất bài giảng chuẩn cho các tỉnh thực hiện. Học viên tham dự được tập huấn các nội dung liên quan đến Quy phạm VietGAP, góp ý để xây dựng bài giảng chuẩn. Các nội dung tập huấn bao gồm 6 phần (theo Quyết định số 1503/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/7/2011 và Quyết định số 1617/QĐ-BNN-TCTS ngày 18/7/2011): (1) Giới thiệu chung về VietGAP trong nuôi trồng thủy sản; (2) An toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản; (3) Quản lý sức khỏe động vật thủy sản; (4) Bảo vệ môi trường; (5) Các khía cạnh kinh tế- xã hội; (6) Một số kỹ năng tập huấn ToT VietGAP.
Tại lớp tập huấn, các học viên tham dự sẽ trình bày ngẫu nhiên một phần trong Quy phạm VietGAP để các học viên còn lại đánh giá thông qua phiếu nhận xét giảng viên (bao gồm về phương pháp trình bày, kiến thức về VietGAP và thời gian theo yêu cầu). Kết thúc khóa tập huấn các học viên sẽ được cấp chứng chỉ theo từng mức là giảng viên ToT VietGAP, giảng viên VietGAP hoặc được cấp chứng nhận đã tham gia lớp tập huấn. Các giảng viên được lựa chọn từ khóa tập huấn này sẽ được tham gia giảng dạy cho 13 lớp tập huấn tiếp theo tại các địa phương thực hiện Dự án do FSPS II tài trợ.
Khóa tập huấn đã cung cấp kiến thức bổ ích về lĩnh vực VietGAP và phương pháp tập huấn cho các học viên tham dự, xây dựng bài giảng chuẩn VietGAP cho các địa phương thực hiện và lựa chon giảng viên ToT có đủ trình độ, kiến thức và kinh nghiệm để giảng dạy 13 lớp tập huấn tiếp theo.