Đây là chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh.
Theo ông Cảnh, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã ra chỉ thị phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trước ngày 1/5.
Ông Cảnh cho biết, Bình Định xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương, do đó, tỉnh đã chỉ đạo, sau ngày 1/5 tàu cá còn vi phạm vùng biển nước ngoài thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đơn vị có liên quan phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy.
Theo thống kê của Bộ đội biên phòng và Sở NN-PTNN Bình Thuận, từ năm 2011 đến cuối năm 2017, riêng TX.La Gi có tới 47 tàu cá/388 ngư dân bị phía nước ngoài bắt giữ. Trong năm 2016 có tới 20 tàu/168 ngư dân bị bắt giữ. Năm 2017 còn 5 tàu cá với 17 ngư dân bị bắt giữ chưa được về nước.
Trước đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có công điện khẩn yêu cầu không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm, tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng đến 1 năm đối với tàu cá vi phạm lần đầu và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với tàu cá tái phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải từng chỉ đạo các địa phương thông báo danh sách tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật; tổ chức họp kiểm điểm trước dân đối với các chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
"Địa phương nào để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài thì Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh", Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.