Phụ thuộc vào nhập khẩu
Năm 2017, cả nước có khoảng 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; trong đó có 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng; cung cấp hơn 100 tỷ tôm giống, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi, song câu chuyện chất lượng và quản lý chất lượng vẫn là điều đáng bàn.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (RIA III) cho rằng, việc quản lý chất lượng tôm bố mẹ tại Thông tư 26 mà chúng ta đang làm như cân, đo kích cỡ và kiểm soát 56 loại bệnh virus thường gặp mà không đánh giá được thực chất chất lượng từ nguồn gốc. Hầu như doanh nghiệp trong nước được nhập giống một cách dễ dàng và thông qua hồ sơ của nước ngoài gửi về, thế rồi cơ quan chức năng Việt Nam cấp phép. Việc nhập giống tôm như thế là không ổn. Mặt khác, muốn đánh giá được chất lượng tôm giống, phải tiến hành khảo nghiệm, kiểm nghiệm con giống bố mẹ một cách bài bản, khoa học, chứ không thực hiện kiểu mua bán trên giấy tờ, gửi qua hồ sơ không rõ nguồn gốc xuất xứ con tôm đó từ đâu.
“Nâng chất” chọn tạo
Nhiều năm qua, Tổng cục Thủy sản đã chủ trì, giao các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, II, III (RIA I, RIA II, RIA III) lai tạo được một số dòng tôm bố mẹ chất lượng cao và đã tiến hành sản xuất giống, thả nuôi thương phẩm để đánh giá, khảo nghiệm trên diện rộng. Có thể kể đến như tôm sú Moana do RIA I hợp tác cùng Công ty Moana (Mỹ) nghiên cứu và phát triển. Tôm bố mẹ đã được gia hóa trong điều kiện kiểm soát an toàn sinh học tốt nên có chất lượng đảm bảo, sạch bệnh và năng suất tốt.
Trong khi, gần đây, giải pháp mà phía RIA III triển khai là nhập các vật liệu đàn tôm ở 6 quốc gia, gồm Mexico, Colombia, Ecuador, Mỹ, Thái Lan và Indonesia. Khi nhập về, Viện đánh giá đàn tôm, chọn tạo từng thế hệ. Một nửa trong số tôm sau chọn tạo sẽ đưa ra hồ nuôi, nửa còn lại được lưu giữ tại bể nuôi. Làm như vậy là để đánh giá sự thích nghi môi trường, chống chịu bệnh của tôm.
Phương pháp chọn được Viện sử dụng thuật di truyền số lượng kết hợp với kỹ thuật di truyền phân tử (ADN) hiện đại nhất để chọn giống theo phương pháp chọn lọc gia đình kết hợp chọn lọc cá thể. Theo đó RIA III đã sử dụng chỉ thị phân tử (ADN) microsatellite đánh giá đa dạng di truyền các đàn tôm nhập về để kiểm tra và nuôi cách ly đảm bảo sạch bệnh. Sau đó, đàn tôm giống nhập ngoại tiếp tục sử dụng chỉ thị phân tử (ADN) SNP kết hợp với phương pháp di truyền số lượng để chọn lọc mỗi năm được 1 thế hệ tôm bố mẹ chọn làm giống đồng thời chọn giống từ 200 gia đình/1 thế hệ.
Từ kết quả nghiên cứu, chọn tạo, đánh giá, PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, năm 2016, RIA III đã chuyển giao đàn tôm chân trắng bố mẹ với số lượng 2.500 cặp đến một số trại sản xuất giống phục vụ đánh giá, thử nghiệm. Kết quả đàn tôm bố mẹ đã được các công ty đánh giá có sức sinh sản cao, tôm giống có khả năng chịu đựng tốt với môi trường.
Theo RIA III, năm 2017, đơn vị đã cung ứng khoảng 40.000 con tôm bố mẹ cho các cơ sở sản xuất tôm giống ở phía Nam. Đây là tín hiệu tích cực thúc đẩy sự phát triển của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới.
Khác với các đàn tôm bố mẹ nhập nội và các đàn tôm gia hóa khác; đàn tôm chân trắng bố mẹ chọn giống của RIA III đã được công nhận giống mới, phục vụ sản xuất theo Quyết định số 824/QĐ-TCTS-NTTS của Tổng cục Thủy sản ngày 22/9/2016.