Trẻ con nhảy dây khi bóng dừa loang lổ nắng chiều. Nhảy thì nhảy, bọn nhóc vẫn liếc ra cửa biển. Thuyền về. Chúng quăng dây, chạy bay xuống bến, nhận từ đôi tay chai sần nắng gió của cha những chùm trứng cá chuồn. Thường thì mỗi đứa chỉ được một nhúm thôi. Có đứa tay chút xíu, trứng cá rớt lên rớt xuống, phải ngửa vạt áo lên mà đựng.
Nhưng có bữa duyên may, gặp những mảng trứng cá trôi “lang thang” hoặc tấp vào lưới thì ngư dân tha hồ mà xúc. Trứng lẫn với rong kết thành mảng, mỗi mảng nặng có đến chục ký. Những bữa như vậy, bến bãi nhấp nhô những chiếc nón lá của các mẹ, các chị. Họ tranh nhau mua trứng cá. Trước là để làm quà cho người thân, sau là quây quần cả nhà, làm một bữa “liên hoan” trứng. Họ biết mỗi mùa cá chuồn, trứng chỉ xuất hiện dày đặc độ dăm ba bữa, cùng lắm là nửa tháng thôi. Còn hầu hết là trật vuột, bữa có bữa không, mà bữa có thì mỗi thuyền viên cũng chỉ được vài chén nho nhỏ, không đủ bồi dưỡng cho trẻ con, lấy đâu cho người lớn.
Luộc trứng cá chuồn dễ hơn luộc khoai. Rửa trứng bằng cách nhúng rổ trứng xuống thau nước, xoay lắc vài dạo rồi nhấc lên cho nước chảy xuống ròng ròng. Sau đó để ráo. Chờ nước sôi thì trút trứng vào nồi. Rắc chút hạt nêm cho trứng ngon hơn. Nước chấm là chén mắm chua ngọt. Thế là “vào cuộc” được rồi.
Người nơi xa đến, được mời ăn trứng cá chuồn, đôi đũa thường ngại ngần khi gặp rong biển lẫn trong trứng. Họ gắp rong bỏ xuống mâm. Khi chủ nhà nói đừng đừng, quý lắm đấy, rồi “ăn mẫu” thì khách mới tự nhiên xơi thử và liên tiếp gật gù. Ăn trứng trước hết là ăn... âm thanh. Ai cũng thích thú khi nghe những tiếng vỡ lụp bụp giòn tan của trứng. Mỗi tiếng vỡ là một chút béo, chút ngọt lan tỏa. Những nhánh “rau biển” đến lượt mình cũng tiết ra hương vị đặc trưng: mằn mặn vị xa khơi, thoảng thơm mùi trùng dương nắng gió.
Người lớn bát chén lanh canh, ly chú ly anh làm gì làm. Trẻ con cứ đặt chùm trứng lên miếng bánh tráng, rưới chút mắm rồi kéo nhau ra bãi, ăn từng chút một cho tới khi nắng hè trốn biệt dưới làn nước biển trong xanh.