Khẳng định thương hiệu tôm Việt
Qua gần 3 năm Bạc Liêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung và lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng, với khát vọng “nâng tầm tôm Việt”, tỉnh tập trung chỉ đạo nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh và ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nghề nuôi và đảm bảo môi trường sinh thái.
Toàn tỉnh hiện có 138.934ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh 21.182ha; quảng canh cải tiến chuyên tôm 500ha; nuôi thủy sản trên đất tôm - lúa 33.747ha; quảng canh cải tiến kết hợp 79.140ha. Tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh là 210.779 tấn, riêng tôm 116.365 tấn, đạt 100,47% kế hoạch.
Nhiều mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh cho lợi nhuận bình quân 210 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao lợi nhuận bình quân 600 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh lợi nhuận bình quân 175 triệu đồng/ha…
Trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh xác định đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Theo đó, quy hoạch vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh; vùng nuôi sinh thái; vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và xác định phương thức nuôi. Ứng dụng rộng rãi quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC, Organic; đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nghề nuôi.
Năm 2017, toàn tỉnh có 6 công ty, doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 796ha, sản lượng hơn 3.800 tấn; năng suất bình quân hơn 25 tấn/ha. Các công ty, doanh nghiệp này đã áp dụng công nghệ nhà màng vào nuôi tôm của Israel, công nghệ cho tôm ăn tự động của Úc, công nghệ sinh học xác định tình trạng sức khỏe tôm nuôi. Thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản, truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản.
Trong 9 tháng của năm 2018, toàn tỉnh đã tăng lên 10 công ty, doanh nghiệp, đơn vị ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm siêu thâm canh với tổng diện tích hơn 810ha, năng suất bình quân đạt hơn 47 tấn/ha. Điển hình là Công ty Hải Nguyên, Tập đoàn Việt Úc, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh…
Từ thành công nuôi tôm siêu thâm canh, các công ty, doanh nghiệp cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, quy trình nuôi tôm cho nông dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 287 hộ nông dân nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 814ha, năng suất bình quân gần 48 tấn/ha.
Không chỉ có diện tích nuôi tôm lớn, Bạc Liêu còn là trung tâm sản xuất tôm giống quy mô lớn nhất khu vực ĐBSCL. Toàn tỉnh có hơn 190 cơ sở sản xuất tôm giống, sản xuất từ 21 - 29,5 tỷ con giống/năm. Lượng tôm giống cơ bản giải quyết nhu cầu nuôi thủy sản trong tỉnh và xuất đi các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là chìa khóa giúp Bạc Liêu và ĐBSCL tiếp tục thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp vùng ĐBSCL lên một tầm cao mới. Đồng thời tạo động lực ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực chọn và tạo giống mới, kỹ thuật canh tác hiện đại, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khu nông nghệp công nghệ cao của Bạc Liêu sẽ tạo ra môi trường thích hợp cho những sáng tạo khoa học - công nghệ. Thông qua đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển hóa tri thức thành sức sản xuất, thành ưu thế thị trường, tạo cơ hội việc làm và đem lại nhiều lợi ích cho vùng ĐBSCL. Đóng vai trò “đầu tàu” mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống, thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn hướng nhanh đến hiện đại hóa; đáp ứng mục tiêu dài hạn là xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Hiện nay, tỉnh đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng Khu nông nghệp công nghệ cao Bạc Liêu với quy mô 418,91ha (tại xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) tổng mức đầu tư 3.217 tỷ đồng. Đây là hạt nhân để lan tỏa, nhân rộng cho các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Với nhiệm vụ trình diễn, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi, chế biến và xử lý môi trường cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nuôi tôm. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng thân thiện với môi trường; tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt. Khu nông nghệp công nghệ cao Bạc Liêu khi hoàn thành sẽ mở ra bước đột phá mới trong ngành tôm tại Bạc Liêu, và đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của Việt Nam. Đồng thời góp phần cho tăng trưởng và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho cả nhiệm kỳ.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: “Mục tiêu xây dựng Khu nông nghệp ứng dụng công nghệ cao Bạc Liêu là hướng đến trở thành trung tâm khoa học - công nghệ trong lĩnh vực tôm của tỉnh và vùng bán đảo Cà Mau. Đây sẽ là hạt nhân về công nghệ và tổ chức sản xuất thủy sản có sức lan tỏa ra cả khu vực”.