Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất, góp phần tích cực bảo đảm việc khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản được ổn định, từng bước cải thiện đời sống vật chất của các hộ ngư dân, xóa đói, giảm nghèo ở vùng ven biển và hải đảo. Ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện cho biết: Cả nước có khoảng 128.000 tàu, thuyền các loại tham gia nghề khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá trên các vùng biển, hải đảo, nhưng số tàu, thuyền công suất dưới 90CV lên tới 105.000 phương tiện (chiếm 80%). Thực trạng này dẫn tới hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trải khắp trên các vùng biển của Việt Nam, nhưng chủ yếu vẫn tập trung khai thác ở vùng lộng và ven bờ. Do vậy, năng suất lao động của đại bộ phận ngư dân còn thấp, thu nhập còn bấp bênh.
Nhiều đại biểu đánh giá cao nguồn kinh phí 1.300 tỷ đồng Nhà nước đã hỗ trợ ngư dân đóng mới 1.365 tàu có công suất trên 90CV. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ phương tiện thông tin liên lạc cho các tàu cá đánh bắt xa bờ. Tính đến ngày 24-6-2013, đã có 1.150 tàu cá được lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh, 3.000 tàu cá được gắn chíp định vị vệ tinh và 7.000 ngư dân được trang bị máy thu trực canh. Các tàu cá được trang bị các thiết bị này sẽ nhận được thông tin dự báo thời tiết, dự báo ngư trường; tự động báo vị trí tàu về bờ 2 giờ/lần; các thông tin hướng dẫn tránh trú bão và các thông tin quan trọng khác từ các cơ quan quản lý thủy sản trong bờ...
Tuy nhiên, với số lượng khoảng 6.000 tàu cá thuộc 20/28 tỉnh, thành phố ven biển có đủ điều kiện tham gia hoạt động trên các vùng biển xa là quá khiêm tốn so với nguồn lợi hải sản xa bờ được dự báo còn nhiều tiềm năng khai thác với trữ lượng 1,5 triệu tấn/năm. Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cảnh báo: Hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân tập trung chủ yếu vùng biển lộng và ven bờ với cường độ cao đã làm suy giảm nhanh nguồn lợi hải sản vùng ven bờ. Thực tế khai thác thủy sản của ngư dân ở nhiều địa phương cho thấy, tỉ lệ cá tạp, cá chưa trưởng thành chiếm khoảng từ 40% đến 80% sản lượng đánh bắt, nên giá trị hàng hóa rất thấp.
Nhìn lại những khoản đầu tư lớn của Nhà nước, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) băn khoăn: "Tiền bạc bỏ ra như vậy, nhưng hiện nay, 70% tàu thuyền của ngư dân cũ nát công suất dưới 45CV không đủ điều kiện tham gia vùng đánh cá vịnh Bắc Bộ, chưa nói gì đi ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Phương thức đánh bắt vẫn như xưa và khai thác ở ven bờ nên tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Hệ lụy theo đó là hoạt động khai thác "tận diệt" bằng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại xảy ra ở hầu hết các tỉnh ven biển". Theo ông, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngư dân phát triển sản xuất bền vững. Thực tế cho thấy, các chính sách về vay vốn tín dụng để đóng mới, hoán cải tàu đánh bắt xa bờ; hỗ trợ dầu để ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa..., mới chỉ có khả năng hỗ trợ cho một số ít ngư dân và thực trạng khó khăn chung của ngư dân vẫn đang còn nguyên đó.
Nhiều đại biểu chỉ ra chính sách hỗ trợ mua mới, đóng mới tàu với điều kiện máy phải mới 100% theo tiêu chuẩn kỹ thuật chưa thu hút được nhiều ngư dân tham gia do chi phí cao. Điều kiện cho vay vẫn áp dụng cơ chế cho vay thương mại, người vay phải có tài sản để thế chấp ngân hàng nên ngư dân khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Cho vay đóng tàu nhưng chưa tính đến cho vay để mua sắm ngư lưới cụ và trang thiết bị nên hiệu quả đầu tư không cao. Định mức hỗ trợ dầu chưa phù hợp với mức tiêu hao nhiên liệu giữa tàu công suất lớn và tàu công suất nhỏ nên chưa khuyến khích được ngư dân đánh bắt xa bờ, mà còn làm tăng đột biến số lượng tàu nhỏ.
Từ thực trạng khai thác hải sản gặp nhiều rủi ro do thiên tai, bão lũ, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tai nạn trên biển... các đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình), Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) kiến nghị: Chính phủ sớm có chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất hoặc không tính lãi suất cho vay đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hộ ngư dân bị thiệt hại do bão lụt. Trước mắt, ưu tiên cho sửa chữa, đóng mới tàu thuyền bị hư hỏng để bà con tiếp tục bám biển sản xuất.
Các đại biểu cho rằng, việc quy định các địa phương chịu trách nhiệm tự hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân từ nguồn kinh phí địa phương như hiện nay rất bất cập, phần lớn ngư dân chỉ được hỗ trợ bằng các chính sách bảo trợ xã hội nói chung và mức hỗ trợ chỉ bằng phần nhỏ so với tổn thất thực tế mà ngư dân phải gánh chịu.
Ban Dân nguyện đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát chính sách liên quan đến việc hỗ trợ giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.