Co4Growth (Collaboration For Growth - Hợp tác vì sự phát triển) là một trung tâm thông tin và dịch vụ hỗ trợ nhằm mục tiêu phát triển doanh nghiệp, được khởi xướng bởi quỹ SVF (Startup Vietnam Foundation - Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ Việt Nam). Tại đây, các chủ doanh nghiệp có thể tìm thấy các thông tin được tuyển chọn và biên tập, kiến thức và công cụ cần thiết được đóng góp bởi nhiều chuyên gia, tổ chức và cơ quan ban ngành.
Đại dịch Covid-19 kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe dân sinh trên khắp thế giới mà còn tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp, thu nhập và việc làm của người lao động. Theo báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam”, đã có tới 87% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 khi khảo sát gần 10,2 nghìn doanh nghiệp với đa dạng lĩnh vực ngành nghề trên phạm vi toàn quốc.
Chính vì đó tháng 6 vừa rồi, một chương trình được tổ chức trong khuôn khổ dự án Co4Growth mang tên “VƯỢT BÃO COVID - TĂNG TỐC KINH DOANH”, mục đích tập trung hỗ trợ 50 doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ đang tăng trưởng, đồng thời mong muốn thúc đẩy doanh số, mở rộng hoạt động kinh doanh. Với sự hỗ trợ về kiến thức, công cụ bởi mạng lưới cố vấn và đối tác trong nước và quốc tế như Google.org, Youth Business International, Microwave Consulting, Haravan, VNG Cloud, Mekong Capital,.... Chương trình được kỳ vọng sẽ là nền tảng giúp doanh nghiệp tìm thấy động lực vượt qua cơn khủng hoảng của đại dịch Covid-19 và tạo nên sự đột phá trong kinh doanh.
Trong 35 doanh nghiệp xuất sắc được lựa chọn đồng hành cùng Co4Growth, Tép Bạc là doanh nghiệp được đánh giá cao trong công cuộc chuyển đổi số ở hệ thống sản xuất, nuôi trồng và phát triển nông nghiệp cả nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản.
Xuất phát là một trang thông tin truyền thông, chuyên cung cấp kiến thức thủy sản gần 10 năm, hiện nay Tép Bạc đã và đang cho ra mắt các giải pháp Internet-vạn-vật (IoT) nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng, kiểm soát chất lượng nước và truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Hiện các sản phẩm đang được sử dụng tại hơn 1.500 trang trại, tạo tiền đề phát triển để nâng cao năng lực ngành thủy sản Việt Nam.
Anh Trần Duy Phong – CEO Tép Bạc chia sẻ: “Sau một thời gian dài nghiên cứu, thẩm định thị trường và nắm bắt nhu cầu khách hàng, Tép Bạc hiện đã sẵn sàng bán các sản phẩm ra thị trường và tự tin đem lại những giải pháp hiệu quả mà giá cả rất cạnh tranh. Không chỉ tập trung đưa giải pháp cho các trang trại lớn mà Tép Bạc còn hướng đến các cơ sở nuôi trồng vừa và nhỏ, mong muốn ngành nuôi trồng thuỷ sản cả nước phát triển bền vững”.
Cụ thể hơn ở về sản phẩm phần mềm, Tép Bạc sở hữu ứng dụng quản lý trại nuôi Farmext. Ứng dụng cho phép người nuôi ghi nhật ký ao, quản lý kho, quản lý chi phí, tư vấn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, từ đó giúp cho việc quản lý trở nên hiệu quả, giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy mô hình sản xuất thủy sản phát triển bền vững cho doanh nghiệp, giúp thủy sản dễ dàng đạt được chứng nhận chất lượng an toàn.
Và mới đây, Farmext đã cho trình làng trang thương mại điện tử Tepbac eShop tích hợp ngay trên ứng dụng và website tepbac.com với ý tưởng kết nối, chia sẻ lợi ích cho 3 nhà: Nhà sản xuất, đại lý và người nuôi được phát triển bền vững. Sản phẩm sẽ chuyên về lĩnh vực thủy sản, từ thuốc, thức ăn, men vi sinh cho đến máy móc thiết bị,...vô cùng đa dạng và tiện lợi. Người nuôi có thể đặt hàng giao đến nhà hoặc lấy hàng tại đại lý gần nhất trong khu vực. Vừa giúp nhà sản xuất tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, vừa giúp đại lý giảm tải áp lực tài chính và người nuôi có thêm nhiều sự lựa chọn về giá cả, đảm bảo nguồn gốc sản phẩm.
Về phần cứng gồm có tủ điện Cabinext điều khiển từ xa các thiết bị ở trang trại nuôi trồng thủy sản thông qua mobile app hoặc web app, cho phép hẹn giờ, đặt lịch trình và hoạt động tự động dựa trên các chỉ số. Ngoài ra, Tép Bạc còn sở hữu máy quan trắc môi trường tự động Envisor có thể đo các chỉ số về chất lượng nước để kiểm soát các vi lượng, nhiệt độ của nước. Đây là các yếu tố rất quan trọng quyết định chất lượng nguồn thủy sản nuôi trồng. Đặc biệt doanh nghiệp có bằng sáng chế bảo vệ hệ thống quản lý và vệ sinh tự động đầu dò trong máy quan trắc môi trường tự động mà hầu như hiện tại trên thế giới chưa làm được.
Nhờ vào những chiến lược hoạch định rõ ràng, đầu tư nghiên cứu thị trường trong ngoài nước, nắm được hành vi tiêu dùng của khách hàng để phát triển chất lượng sản phẩm liên tục, cùng sự nhanh nhạy bắt kịp xu hướng và kinh nghiệm hơn 10 năm trong ngành, Tép Bạc đã có cú xoay mình ngoạn mục, dấn thân vào thị trường IoT cho ngành thủy sản từ một doanh nghiệp hoạt động truyền thông.
Hy vọng cùng với những nỗ lực đó, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng đạt được nhiều thành quả đáng kể, tạo ra cuộc cải cách vận hành trong sản xuất thủy sản, nâng cao năng suất và giảm rủi ro cho người nuôi trong ngành thủy sản. Tép Bạc hướng đến một hệ sinh thái phát triển bền vững, giảm tác động môi trường, truy xuất nguồn gốc thủy sản và giúp người tiêu dùng được sử dụng an toàn về sau.