Theo người dân địa phương, con ngao giá bắt đầu được người dân đưa vào nuôi trồng từ những năm 2016. Thời điểm đó, con tù hài chững lại, do dịch bệnh nên người dân chuyển sang nuôi ngao giá.
Ông Nguyễn Văn Thanh, xã Thắng Lợi, cho biết: Trước đây, gia đình nuôi tù hài, bị dịch bệnh, những tưởng không vực lại được vì toàn bộ vốn liếng đổ vào đấy, thế nhưng may mắn vào thời điểm năm 2016 gia đình được sự hỗ trợ của huyện và mạnh dạn vay mượn thêm chuyển sang nuôi ngao giá. Trong năm đầu tiên đã thu lại được vốn. Đến nay, gia đình có khoảng 40.000 lồng, giải quyết công ăn việc làm thời vụ cho 12 người, với mức lương trên 10 triệu đồng/người/tháng.
Diện tích nuôi ngao giá và các loài nhuyễn thể khác tăng theo từng năm.
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, nghề nuôi ngao giá tại địa phương đang được phát triển mạnh, quy mô năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2016, toàn huyện có trên 250 hộ dân nuôi, thì đến đầu năm 2019 đã có trên 1.000 hộ dân tham gia nuôi. Hình thức nuôi của các hộ chủ yếu bằng lồng thả bãi, dưới vùng hạ triều sâu từ 1m đến 6m. Tuy nhiên vì diện tích các bãi vùng hạ triều không có đủ so với nhu cầu nuôi, nên hiện nay, các hộ dân đầu tư mở rộng, nuôi theo hình thức lồng treo trên các nhà bè.
Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết: Hiện hộ nuôi ít nhất trên địa bàn Vân Đồn cũng có từ 2.000 lồng, tương đương với số tiền đầu tư khoảng 100 triệu đồng; hộ nuôi nhiều nhất có khoảng 100.000 lồng, tương đương số tiền đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Năng suất nuôi trung bình đạt từ 1,5-2,5kg/lồng, sau thời gian nuôi 12 tháng. Giá bán buôn thương phẩm từ 60.000-90.000 đồng/kg, tùy thuộc vào thời điểm, kích cỡ ngao.
Cũng theo ông Ninh, mô hình nuôi ngao giá đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho các hộ nuôi. Sản lượng trung bình ngao giá trên địa bàn huyện đạt 20 tấn/ngày, có thời điểm đạt 40 tấn/ngày, tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ. Hộ nuôi thấp nhất trong năm cũng thu đến trên 300 triệu đồng, cao nhất trên 10 tỷ đồng chưa trừ chi phí.
Sản lượng trung bình ngao giá đạt khoảng 20 tấn/ngày.
Theo đa số các hộ nuôi, mặc dù con ngao giá đã và đang giúp người dân Vân Đồn cải thiện cuộc sống, thế nhưng họ vẫn không khỏi thấp thỏm lo lắng vì dịch bệnh cũng như thiếu nguồn cung cấp con giống tốt. Bởi hiện nay, nhu cầu nuôi của người dân rất lớn, trong khi nguồn cung cấp con giống ở trong nước không đủ, buộc người dân phải nhập thêm từ nước ngoài. Mà nhiều khi nguồn con giống này không được kiểm soát, có nguy cơ lây nhiễm, gây dịch bệnh cao. Thêm vào đó, thị trường đầu ra cho ngao giá chưa ổn định, luôn bị tư thương ép giá và phụ thuộc nhiều vào đầu nhập phía Trung Quốc.
Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của con ngao giá tại Vân Đồn, tạo sự yên tâm cho các hộ nuôi, các cơ quan chức năng của tỉnh và Vân Đồn cần nhanh chóng tham mưu cho tỉnh, lựa chọn được nhà đầu tư thích hợp xây dựng trung tâm sản xuất giống thủy sản trên địa bàn huyện; giám sát chất lượng con giống; quản lý chặt chẽ vùng nuôi theo quy hoạch; đưa vào giám sát sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu. Đồng thời, các sở, ngành liên quan và huyện Vân Đồn tổ chức xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư các cơ sở chế biến thủy sản, nâng cao giá trị sản phẩm.