Phấn khởi giá tôm đầu vụ
Ngay từ tết dương lịch, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa trên nền đất nuôi tôm, nông dân các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã tất bật cải tạo lại vuông nuôi, đưa nước mặn vào xử lý để thả giống sớm. Hiện một số diện tích đã thả nuôi được từ 1,5-2,5 tháng, nông dân bắt đầu thu hoạch bằng cách đặt lú để tỉa thưa. Giá tôm nguyên liệu đang được thương lái thu mua khá cao. Tôm sú loại từ 30 con/kg có giá từ 220.000 - 225.000 đồng/kg. Loại 40 con giá 195.000 - 200.000 đồng/kg.
Người nuôi tôm mạnh dạn đầu tư thả nuôi để có tôm thu hoạch sớm, tận dụng giá tôm nguyên liệu đầu vụ đang ở mức cao
Hiện Kiên Giang là tỉnh có diện tích thả nuôi theo mô hình tôm - lúa đứng đầu khu vực ĐBSCL và cả nước, với trên 90.000 ha. Bên cạnh con tôm sú, nông dân các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) đang phát triển mạnh thả nuôi tôm càng xanh theo hình thức luân canh với lúa hoặc xen canh với tôm sú, với diện tích hiện nay đạt khoảng 13.500 ha. Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2018, Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi 120.640 ha tôm sú và 2.360 ha tôm thẻ chân trắng, phấn đấu thu hoạch đạt sản lượng 69.000 tấn.
Tại vùng Hà Tiên – Kiên Lương, khu vực nuôi tôm thâm canh của tỉnh Kiên Giang, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư thả nuôi từ rất sớm, nay tôm đã vào thời kỳ thu hoạch. Ông Huỳnh Chí Thanh, Giám đốc khu nuôi Đồng Hòa thuộc Cty Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long (BIM Group) cho biết: “Hiện trung bình mỗi ngày đơn vị thu hoạch khoảng 40 tấn tôm thẻ chân trắng, giá tôm đang khá tốt, loại 100 con là 115.000 đồng/kg. Đầu vụ năm nay thời tiết khá tốt, do nuôi 2 giai đoạn nên tôm thả nuôi diện rộng chỉ khoảng 30 ngày là đạt 100 con/kg, 60-66 ngày đạt 70 con/kg. Kế hoạch năm 2018 đơn vị sản xuất 7.000 tấn tôm nguyên liệu nhưng quý 1/2018 đã đã thu hoạch đạt 2.500 tấn”.
Còn Cty TNHH thủy hải sản Minh Phú – Kiên Giang, kế hoạch năm 2018 thả nuôi 825 ha, sản lượng thu hoạch trên 14.000 tấn tôm. Hiện đơn vị đã thả nuôi được 140 ha, gồm 110 ha thẻ chân trắng, còn lại là tôm sú.
Mở rộng nhà kính, nhà lưới
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được áp dụng tại Bạc Liêu vài năm trở lại đây, được người dân đầu tư ao nuôi theo 2 dạng. Một là, đầu tư ao nuôi trải bạt, nhà kính, kiểm soát được nắng - mưa, nhưng chi phí đầu tư khá lớn từ 5-7 tỷ/ha; mật độ tôm nuôi 500 con/m2, đạt sản lượng thu hoạch trung bình từ 180-240 tấn/ha/năm, nuôi 3 vụ/năm. Hai là ao nuôi trải bạt, nhà lưới, không kiểm soát được mưa, nhưng chi phí đầu tư thấp, từ 400-500 triệu đồng/ha; mật độ thả nuôi từ 250-300 con/m2, năng suất từ hơn 150 tấn/ha, nuôi 3 vụ/năm. Ông Ngô Quốc Hùng, xã Long Điền Long A, Đông Hải, Bạc Liêu cho biết, gia đình đã áp dụng nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà lưới hơn 1.000 m2, đã cho thu hoạch 2 vụ, thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Nhiều tỉnh đang nhân rộng mô hình nuôi thâm canh có mái che, nuôi 2, 3 giai đoạn đạt hiệu quả cao. Ảnh: internet
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu chịu nhiều “hậu quả” do một thời gian dài phát triển nuôi tôm không kiểm soát, nằm ngoài quy hoạch, dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước… Nhưng với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, đang là hướng đi đúng, cứu cánh cho ngành tôm địa phương. Tuy mô hình này vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả thành công rất cao, lợi nhuận khá, kiểm soát được dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sản xuất mang tính bền vững.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, về lâu dài tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm theo mô hình thâm canh, siêu thâm canh. Tỉnh đang tính toán đến giải pháp, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn cho người nuôi tôm khi áp theo mô hình này. Ngoài ra, để mô hình nuôi này theo chuỗi khép kín, cho hiệu quả kinh tế cao, tỉnh đã xin Chính phủ cho thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” rộng hơn 400 ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.
Đến nay, tỉnh đã cấp cho Tập đoàn Việt - Úc 315 ha, còn lại hơn 100 ha vùng lõi khu công nghệ cao, tỉnh đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp hàng đầu về ngành tôm vào đầu tư, trình diễn các mô hình mới về sản xuất tôm. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đưa vào hoạt động, người nuôi tôm Bạc Liêu nói riêng, trong khu vực nói chung sẽ tiếp cận mô hình nuôi tôm hiện đại, con giống chất lượng và sử dụng các sản phẩm phụ trợ nuôi tôm tiên tiến nhất…
Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu có 7 công ty, doanh nghiệp đã và đang áp dụng sản xuất nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao (siêu thâm canh), với diện tích khoảng 800 ha, như Tập đoàn Việt - Úc, Công ty Trúc Anh, Công ty Hải Nguyên… Ngoài ra, mô hình nuôi này đang được các doanh nghiệp trên triển khai, nhân rộng ra hơn 100 hộ nông dân trong tỉnh, trung bình mỗi hộ áp dụng nuôi từ 1 ha trở lên. Qua đánh giá bước đầu, mô hình cho hiệu quả thành công cao, kiểm soát được dịch bệnh trên tôm, hạn chế ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế cao.
Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm hơn 130.000 ha, trong đó khoảng 8.000 ha nuôi theo mô hình thâm canh, siêu thâm canh; còn lại nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến, tôm - rừng, tôm - lúa…, cho lợi nhuận bình quân hơn 170 triệu đồng/ha/năm.