Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Trong ngày cuối tuần, các doanh nghiệp ra giá 24.000 đồng/kg nhưng vẫn không có nhiều cá để mua.
Theo ông Minh, nguyên nhân cá tăng giá trở lại là tại hội chợ thủy sản ở Bỉ cuối tháng Tư, các nhà nhập khẩu ở châu Âu, Mỹ, Brazil... biết được thông tin sản lượng cá tra nguyên liệu ở Việt Nam không còn nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ hiện rất lớn.
Cũng theo ông Minh, thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam hiện có nhiều kích cỡ, đặc biệt là loại lớn trên 1 kg. Tuy nhiên do mấy tháng trước nông dân đã bán rất nhiều cá nhỏ dưới 1 kg nên hàng không còn nhiều.
Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản, thị trường xuất khẩu cá tra trên thế giới vẫn ổn định, trong đó giá xuất cá tra philê sang châu Âu giữ mức từ 2,9 - 3 USD/kg.
Thời gian qua, giá cá giảm mạnh là do tâm lý người nuôi hoang mang khi thấy một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền cá, nên nhiều hộ ùn ùn giảm giá bán cá xuống mức thấp để hy vọng lấy được tiền mặt ngay, không chịu bán thiếu như trước. Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp đang thiếu vốn trầm trọng, bởi các ngân hàng hạn chế cho vay.
Chủ nhiệm hợp tác xã thủy sản Thới An (Cần Thơ) cho biết hiện nay người nuôi cá rất lo ngại bán cá cho doanh nghiệp vì không biết có lấy tiền được hay không, sớm hay muộn.
Trước đây, chuyện dân bán chịu cá cho doanh nghiệp khoảng 30 ngày mới lấy tiền là bình thường. Nay khi mua bán cá đều yêu cầu trả tiền mặt. Hiện, giá thức ăn thủy sản đã tăng 5 - 10% cũng dẫn đến chi phí nuôi cá tăng.
Nhằm nâng cao hiệu quả cho người nuôi thủy sản, Phó Chủ tịch VASEP, ông Nguyễn Hữu Dũng cũng đã đề xuất Chính phủ cần có những phương thức và giải pháp trong cách điều hành kinh tế thông qua việc tìm mọi nguồn vốn lãi suất thấp để cứu doanh nghiệp, miễn giảm thuế để giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, việc quan trọng nhất là chính doanh nghiệp phải tự cứu mình, nỗ lực tái cơ cấu lại, giữ chữ tín trong sản xuất với đối tác, ngân hàng và người dân.