Theo số liệu sơ bộ, hiện ở Long Hòa có hơn 100 hộ nuôi hàu với khoảng 600-700 vỉ và hàng trăm ngàn vỏ xe đạp cũ thả dọc theo sông Hà Thanh, Rạch Lỡ... và luồn lách trong các con rạch nhỏ.
Hàu chết là thả sông
Chúng tôi về Long Hòa (huyện Cần Giờ, TP.HCM) vào mùa... hàu chết. Dọc theo sông Hà Thanh, sông Rạch Lỡ ken đặc các vỉ nuôi hàu. Ngồi trên một chiếc vỉ mà hầu hết hàu chỉ còn vỏ trên sông Hà Thanh, anh Phạm Văn Sơn (ấp Long Thạnh) thẫn thờ: “3 tấn hàu vừa thả nuôi giờ đã trôi theo sông, theo biển”.
Theo anh Sơn, thời điểm này là mùa hàu chết (từ tháng 11 âm lịch đến hết tháng Giêng). Đặc biệt, năm nay trời lạnh kéo dài nên hàu chết nhiều hơn mọi năm. Anh Sơn cho hay, tại xã Long Hòa có khoảng 60-70% hàu chết nuôi bằng vỉ và khoảng 80% hàu chết nuôi bằng vỏ xe đạp. Hiện anh nuôi hơn 70 vỉ hàu trên sông Hà Thanh.
Cạnh đám vỉ hàu của anh Sơn là 200 vỉ hàu của ông Nguyễn Hải Lý (ấp Đồng Tranh). Theo ông Lý, đoạn từ cầu Hà Thanh ra đến bãi biển 30/4 dài khoảng 2km thì có khoảng 6.000 vỉ và hàng trăm ngàn vỏ xe đạp nuôi hàu. Ông cũng cho rằng năm nay tỷ lệ hàu chết nhiều hơn mọi năm do thời tiết lạnh kéo dài.
Tuy nhiên, theo ông Lý, nếu như trước đây khi nuôi ít nếu hàu chết nông dân còn cố gắng mang lên bờ hủy thì hiện nay khi nuôi số lượng lớn nếu hàu chết nông dân sẽ đổ hết xuống sông vì “không còn sức đâu mà kéo hết bè lên bờ hủy. Có lúc cả một khúc sông hôi thối vì hàu chết”.
Cho đến lúc này, khi hàu chết người nuôi vẫn cho rằng do thời tiết lạnh chứ chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc nghiên cứu xem hàu chết là do nguyên nhân gì.
Theo vết xe đổ Long Sơn?
Vài năm trước khi sông Chà Và - vùng nuôi hàu của bà con xã Long Sơn (Vũng Tàu), bị ô nhiễm sinh thái, các cơ quan chức năng kết luận do bà con nuôi hàu dùng vỏ xe cũ và fibro làm vật liệu nuôi, thì giờ đây bà con nuôi hàu ở Long Hòa đang đi theo “vết xe đổ” này.
Có người nuôi hàu ở Long Hòa sử dụng đến cả 100.000 vỏ xe đạp để nuôi hàu. Ông Lý cho biết: “Bây giờ nuôi hàu hồi hộp lắm. Bà con nuôi nhiều lại không cẩn thận rồi thế nào cũng ô nhiễm nguồn nước. Nếu ô nhiễm là trắng tay”.
Tuy nhiên, khi đặt vấn đề này, ông Trương Tiến Triển- Chủ tịch UBND xã Long Hòa cho biết, cho đến giờ việc bà con nuôi hàu ở Long Hòa vẫn là tự phát. Xã đã gửi kiến nghị lên huyện để xin chủ trương về việc nuôi hàu cho bà con nhưng vẫn chưa nhận được trả lời nên vẫn chưa có “quy định pháp lý” nào để yêu cầu bà con trong việc này.
“Chúng tôi biết cần phải quy hoạch vùng nuôi, mật độ nuôi, vật liệu nuôi hàu… để tránh ô nhiễm môi trường sinh thái, nhưng một đằng rất khó để khuyến nghị bà con làm theo, một đằng phải chờ chủ trương của cấp trên”- ông Kha Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND xã Lòng Hòa nói.
Trong khi đó, theo ông Đinh Văn Toản - Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Cần Giờ, đến giờ ông mới biết việc bà con nuôi hàu bằng vỏ xe đạp!
Đầu tháng 1.2014, trong cuộc họp tổng kết công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2013 và triển khai nhiệm vụ 2014, ông Lê Văn Thơm - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ đã yêu cầu các cơ quan chức năng đưa vào quản lý các hộ nuôi hàu.