Diện tích nuôi tôm sú tăng
Năm 2015 đánh dấu sự trở lại của đối tượng nuôi tôm sú khi tình hình nuôi trồng ngày càng khó khăn, giá tôm sú cao hơn tôm thẻ và người dân hết vốn đầu tư cho tôm thẻ chân trắng. Tình hình khó khăn chung trên thị trường chủ yếu là do giá thành tôm thấp từ 76.000 đến 80.000 đồng/kg tôm cở 100 con/kg, người nuôi không có lời, cộng với tình hình dịch bệnh hoại tử gan tụy, đốm trắng liên tục quét qua các địa bàn nuôi tôm dẫn đến thua lỗ liên tục. Xu hướng chuyển qua tôm sú do đầu tư cho tôm sú thấp, giá cả cao hơn tôm thẻ trên cùng cở tôm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ do hy vọng giá tôm tăng trở lại và thời gian nuôi nhanh hoàn vốn hơn tôm sú.
Thị phần
Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chiếm thị phần lớn nhất hiện nay la Grobest với 27% với thế mạnh là thức ăn tôm sú, chất lượng thức ăn ổn định; tiếp theo là CP có ưu thế về giống, Tongwei, UP, Thăng Long, các công ty khác như Việt Hoa, Oscilis, Cargil, Tom King, Thiên Bang chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong thị phần. Xu hướng thị phần thức ăn tôm phát triển nhanh từ các thương hiệu mới nổi như Tongwei, Thăng Long đang tăng mạnh thị phần, còn CP, UP đang mất dần thị phần.
Chiến lược của các doanh nghiệp
Trong khi CP đầu tư mạnh về tôm giống, tận dụng ưu thế về con giống chất lượng tốt để tấn công thị trường thức ăn tôm thì Grobest tiếp tục khẳng định chất lượng thức ăn ổn định, hệ số FCR tốt. UP, Tongwei, Thăng Long tăng cường dịch vụ chăm sóc khách hàng như thành lập các phòng lab, dịch vụ phục vụ kỹ thuật miễn phí tận ao, đầu tư nhiều mô hình trình diễn, quảng bá thương hiệu.
Văn hóa doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến kết qủa kinh doanh của công ty đặc biệt các doanh nghiệp FDI đào tạo, huấn luyện nhân viên tiếp thị tiếp cận nông hộ. Tongwei và Thăng Long là các doanh nghiệp phát triển mạnh thị phần nhờ vào văn hóa doanh nghiệp, phương thức kinh doanh phục vụ khoa học kỹ thuật đưa kỹ thuật tiên tiến đến tận các hộ nuôi tôm.
Giá và xu hướng giá
Hiện tại giá thành sản xuất tôm thẻ chân trắng là 60.000 đến 65.000 đồng/kg, FCR trên tôm thẻ chân trắng dao động từ 1,2 đến 1,4 và chi phí cho thức ăn dao động từ 50 -65% giá thành sản xuất tôm. FCR trên tôm sú từ 1,7 đến 2,1 và thời gian nuôi tôm sú dài hơn tôm thẻ.
Giá nguyên liệu đầu vào như bột cá, đậu nành và các nguyên liệu khác đều giảm, tuy nhiên chi phí tiếp thị, chạy chương trình, chiết khấu tăng nên giá thức ăn tôm luôn cao gần gấp đôi so với giá thành sản xuất từ các nguyên liệu. Hiện tại giá thức ăn tôm có độ đạm từ 40 – 44 độ đạm thô dao động từ 31.000 đến 36.000 đồng/kg, trong đó thức ăn tôm sú cao hơn thức ăn tôm thẻ từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Giá đến tay người tiêu dùng dao động từ 28.000 đến 36.000 đồng/kg tùy thuộc vào lấy thức ăn bằng tiền mặt hay bằng công nợ.
Giá thức ăn tôm năm 2015 giảm 5% vào tháng 2 – 3 do nhà nước miễn thuế giá trị gia tăng. Xu hướng giá trong năm 2016 không giảm giá trực tiếp vào giá thành sản phẩm mà chủ yếu là tăng chiết khấu cho đại lý, nhà phân phối.
Chiết khấu cao cho đại lý
Chiết khấu từ doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho các nhà phân phối, đại lý có sản lượng lớn dao động từ 15 – 25%, các đại lý nhỏ được hưỡng chiết khấu từ 15 – 20%. Chiết khấu cho các đại lý cao tuy nhiên lợi nhuận của các đại lý thực tế không cao do tính cạnh tranh gay gắt từ nhiều đại lý trên cùng địa bàn dẫn tới giảm giá bán, giá bán đến hộ dân thường thấp hơn giá bảng của công ty đưa ra từ 2.000 đến 4.000 đồng. Hiện tại các đại lý thức ăn tôm thực lời chỉ khoảng 500 đến 1.500 đồng/kg thức ăn, lợi nhuận của các đại lý chủ yếu nhờ vào bán con giống và bán thuốc thủy sản.
Năm 2015 là năm khó khăn cho các đại lý thức ăn tôm do tôm mất mùa, người dân không có tiền trả nợ cho đại lý.