Đông y cho rằng, cá chim có vị ngọt mặn, tính hơi ôn, đi vào các kinh tỳ & thận. Có công hiệu kiện tỳ, dưỡng huyết, bổ vị cố tinh, nhu lợi cân cốt. Được dùng trong các trường hợp kém ăn, cơ thể suy nhược, hồi hộp, đánh trống ngực (tâm quí), đau đầu hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, quên lẫn, đau nhức, mỏi mệt, tê bại vùng cổ, thắt lưng và tay chân. Liều dùng trung bình từ 200 - 250g/ ngày dưới dạng món ăn như nấu, xào, hầm, om, nướng hay chiên rán.
Dưới đây xin giới thiệu một số món ăn trị bệnh từ cá chim để cùng tham khảo hay ứng dụng mỗi khi cần.
Trị phong thấp, thoái hóa xương khớp, đau nhức chân tay, lưng đau gối mỏi, yếu: Dùng món canh cá chim hạt dẻ gồm cá chim 250g, hạt dẻ 15 - 20 hạt. Làm sạch cá, hạt dẻ đập dập bỏ vỏ, cho gia vị vừa đủ nấu thành canh ăn trong bữa cơm, cần ăn liền 5 - 7 ngày.
Trị thận hư, liệt dương, di tinh: Dùng canh ngài tằm cá chim gồm cá chim 250g, ngài tằm 20 con, làm cá sạch cho cùng ngài tằm, nêm gia vị vừa đủ nấu thành canh ăn trong bữa cơm ăn 7 ngày.
Trị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do tỳ vi hư nhược, thiếu máu do huyết hư thiểu dưỡng: Dùng canh "xương ngư nhị bạch" gồm cá chim 250g, Bạch truật 15g, Bạch thược 15g. Sắc thuốc lấy nước bỏ bã cho cá chim đã sạch, cắt khúc nấu nêm gia vị vừa đủ, ăn trong ngày cùng bữa cơm.
Trị tiêu hóa kém, chán ăn, gầy yếu: Dùng canh cá chim đậu trắng gồm cá chim 250g, đậu trắng hạt to 30g. Làm sạch cá cắt khúc cho đậu và gừng tươi đập dập, nấu thành canh, them hành sống và gia vị vừa đủ, ăn trong ngày.
Chữa trị các chứng đau đầu hoa mắt chóng mặt do huyết hư, tim hồi hộp, mất ngủ, suy nhược cơ thể: Dùng món cá chim hầm sâm quy thục hoài sơn gồm cá chim 250g, đảng sâm, đương quy, thục địa mỗi vị đều 15g, sơn dược 20g. Các vị thuốc sắc lấy nước bỏ bã, cho cá chim cắt khúc vào nước thuốc hầm chín ăn trong ngày.
Lưu ý không dùng cho người bị cao mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, và không ăn nhiều.