Mục tiêu quy hoạch
Những năm qua, nuôi trồng thủy sản ở Phú Lộc đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Việc phát triển các ao hồ tự phát, công tác quy hoạch và quản lý còn hạn chế, môi trường nước có dấu hiệu ô nhiễm và nguy cơ dịch bệnh ngày càng tăng. Việc rà soát quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản năm 2010 và quy hoạch đến năm 2020 không những có ý nghĩa cho việc quản lý nuôi trồng thủy sản mà còn góp phần định hướng phát triển chung của ngành thủy sản ngày một ổn định và bền vững, xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế tăng thu nhập cho người dân.
Hiện Phú Lộc có diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ là 948 ha; kế hoạch đến năm 2015, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2.607 tấn và đến năm 2020 sản lượng đạt 2.744 tấn. Năm 2015, diện tích nuôi trồng thủy sản hạ triều giảm 38 ha và đến năm 2020 giảm 105 ha tập trung ở các xã Vinh Hưng, Vinh Giang, Lộc Trì… cho mục đích làm hồ xử lý cấp và thoát nước thải của hồ cao triều, giảm diện tích cho hệ thống xây dựng hạ tầng vùng nuôi. Huyện đã chuyển hoàn toàn diện tích hạ triều sang nuôi xen ghép nhiều đối tượng, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời cải thiện môi trường bằng nuôi các đối tượng lấy thức ăn từ rong tảo, mùn bả hữu cơ. Một số vùng nuôi tôm hạ triều bị thua lỗ nhiều năm, nguồn nước có dấu hiệu phú dưỡng và ô nhiễm, đáy bùn dày có thể chuyển sang nuôi cá đối, cá dìa và kình. Đến năm 2020, diện tích nuôi tôm cao triều còn 249ha, giảm 51 ha so với năm 2011, nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng hạ tầng vùng nuôi, như hệ thống kênh cấp và thoát nước, đường giao thông, khu vực lưu giữ bùn thải.
Phát triển nuôi tôm chân trắng trên vùng cát có hiệu quả mở ra hướng mới cho phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện Phú Lộc quy hoạch diện tích nuôi tôm trên cát ở xã Vinh Mỹ là 35 ha, hiện trạng đã nuôi 13 ha, quy hoạch ao nuôi mới 22 ha; xã Vinh Hiền 10 ha, hiện trạng 5 ha, quy hoạch thêm 5 ha và xã Vinh Hải quy hoạch mới 5 ha. Như vậy, đến năm 2020 huyện Phú Lộc phát triển diện tích nuôi tôm trên cát là 50 ha.
Phát triển bền vững
Thời gian qua, các ngành các cấp nỗ lực để quản lý nuôi trồng thủy sản nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, do thiếu nguồn lực, phương pháp quản lý không theo kịp với thực tiễn. Thực hiện các chiến lược, giải pháp và đề án trọng điểm trong quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 là nền tảng để phát triển nuôi trồng thủy sản ổn định và bền vững. Để chuyển biến từ hiện trạng nuôi trồng thủy sản manh mún, thiếu đồng bộ thành một khu vực sản xuất nuôi trồng mang tính hiện đại, cần tổ chức lại sản xuất nuôi trồng thủy sản có ý thức tập thể thông qua các chi hội, tổ hợp tác và sắp xếp phân vùng nuôi trồng thủy sản hợp lý và khoa học đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để làm được việc trên, Phú Lộc đang tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản, chấm dứt tình trạng nuôi tự phát, không tuân thủ các quy hoạch. Phát huy dân chủ cộng đồng ngư dân giám sát lẫn nhau, đồng thời huy động tổ chức chính quyền cùng tham gia giám sát công tác quản lý nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Nếu quản lý tốt, nuôi trồng thủy sản sẽ trở thành nguồn lực mạnh cho sự phát triển kinh tế, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và là nguồn sinh kế cho người dân địa phương. Các cơ quan ban ngành liên quan cần nỗ lực hướng dẫn bà con ngư dân chuyển đổi phương pháp nuôi, đối tượng nuôi theo hướng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020, khuyến khích cộng đồng ngư dân hợp tác tổ chức quản lý sản xuất nuôi trồng tập thể để giám sát kiểm soát dịch bệnh giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả nuôi trồng thủy sản.
Ông Mai Văn Xỹ, Trưởng phòng Thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho biết: “Để nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng an toàn và bền vững, Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát vùng nuôi cao triều, thấp triều và trên cát; vùng nuôi nào chưa thực hiện đúng theo quy hoạch buộc người nuôi phải quy hoạch lại phù hợp với tình hình nuôi mới. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền sở tại rà soát lại và cương quyết xử lý đối với những hộ nuôi không chấp hành”.