Ông Hoàng Quy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo quy định của pháp luật về thú y tại khoản 3, điều 29 Nghị định 33/2005/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 13-5-2005) thì động vật, sản phẩm động vật dưới nước, lưỡng cư khi lưu thông trong nước phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát trong các trường hợp sau: động vật thương phẩm, sản phẩm động vật trước khi đưa ra khỏi địa phương trong trường hợp đang xảy ra dịch bệnh tại địa phương đó; động vật để làm giống trước khi đưa ra khỏi cơ sở sản xuất giống. Cùng với đó, Thông tư 06 năm 2010 (quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản) của Bộ NN&PTNT cũng quy định thủy sản, sản phẩm thủy sản khi vận chuyển, lưu thông trong nước phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát nếu là thủy sản giống, thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản đưa ra khỏi vùng có công bố dịch.
Như vậy, theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y, nếu như sản phẩm giống, thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc không ở vùng có dịch thì không cần kiểm dịch, và đương nhiên cũng không có giấy tờ kiểm dịch. Đây chính là những khó khăn khiến công tác quản lý, kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản buôn bán, vận chuyển trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ông Hoàng Quy khẳng định: quy định về kiểm dịch thủy sản rõ như vậy, nên nếu không nắm chắc nguồn gốc của những lô hàng thủy sản đang vận chuyển, buôn bán trên địa bàn thì lực lượng thú y không dám tiến hành kiểm tra, vì nếu kiểm tra không đúng thì rất dễ bị kiện.
Ví dụ điển hình chính là vụ lực lượng quản lý thị trường tỉnh bắt giữ hơn 4 tấn cá tầm nghi là nhập lậu từ cuối tháng 6/2013. Vụ việc tưởng như đơn giản, “rõ như ban ngày”, ấy vậy mà do vướng mắc về cơ chế, quy định kiểm tra nên đến nay vẫn chưa được giải quyết. Một minh chứng nữa khiến cơ quan chức năng không thể tiến hành tổ chức kiểm tra, kiểm dịch sản phẩm thủy sản, đó là: giữa tháng 8/2013 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn rộ lên việc bán tôm Cà Mau di động bằng xe máy. Người bán hàng rao bán tôm Cà Mau ở từng điểm chợ, từng khối phố…, giá tôm chỉ hơn 300 nghìn đồng/kg, thấy rẻ nên rất nhiều người tiêu dùng mua để sử dụng.
Tuy nhiên, câu chuyện có phải tôm Ca Mau thật hay không? Chất lượng như thế nào?... thì chẳng mấy ai quan tâm. Mang câu chuyện này đến hỏi Chi cục Thú y, thì chính người trong cuộc trả lời rằng: biết rõ sự việc, nhưng không thể tiến hành kiểm tra vì quy định đã nêu rõ và không thể kiểm tra nếu như chưa nắm chắc nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm “tôm Cà Mau” đó.
Tại Lạng Sơn, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chưa phát triển mạnh do hạn chế về diện tích mặt nước, nhưng với gần 1000 ha, tổng sản lượng khai thác ước đạt 925,8 tấn, đây được coi là tiềm năng lớn cho phát triển chăn nuôi thủy sản, phục vụ nhu cầu tại chỗ cho nhân dân. Đặc biệt tỉnh đã nghiên cứu, khuyến khích nuôi thành công mô hình cá tầm tại Văn Quan, cá hồi tại Mẫu Sơn. Ngoài ra tỉnh đã hỗ trợ hàng triệu con giống, thủy sản cho nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa có đủ diện tích nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ngành thú y chưa thể tổ chức một đợt kiểm dịch thủy sản nào, nguyên nhân chính là từ cơ chế. Lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh cho biết, các loại thủy sản hiện nay không có trang trại tập trung, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, các hình thức đánh bắt nhỏ lẻ.
Xét về mặt chuyên môn, kiểm dịch thủy sản lâu nay ít được quan tâm do không lây bệnh trực tiếp cho người như các loại động vật khác như lợn, gà. Đồng thời, do quy định của Bộ NN&PTNT nên nếu như không có dịch bệnh xảy ra thì rất khó tổ chức kiểm dịch. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, các bệnh từ thủy sản không lây trực tiếp cho người như các bệnh liên cầu lợn hay cúm gia cầm... nhưng điều đó không có nghĩa là không nguy hiểm. Thủy sản sống ở trong môi trường nước ô nhiễm có thể nhiễm các loại độc tố từ môi trường. Hiện nay, có nhiều loại bệnh các loại cá nước ngọt thường hay mắc phải như đốm đỏ, lở loét, ký sinh trùng đơn bào, xuất huyết mùa xuân…
Trước khi đợi các cơ quan chuyên môn làm được phần kiểm dịch ngay từ gốc, người tiêu dùng khi có nhu cầu sử dụng các loại thủy sản làm thực phẩm có lẽ chỉ có biện pháp sử dụng các loại thủy sản đảm bảo tươi sống mới có thể yên tâm phần nào.