* Thuận lợi từ đầu vụ
Nhớ lại những ngày đầu của vụ nuôi trồng thủy sản vụ xuân hè năm 2015, tại vùng ao đầm xã Nam Cường mênh mông, chúng tôi gặp các chủ đầm cùng người lao động đang xục đào đất. Người dùng nhân lực, người thuê máy xúc để cải tạo ao đầm, người trộn vôi bội, hòa hóa chất khử trùng xung quanh ao. Chúng tôi tiến đến gặp ông ông Trần Xuân Động, thôn Đức Cường, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải để hỏi về sự khởi đầu cho vụ nuôi thả mới. Với diện tích hơn 4 mẫu ao, bắt đầu vụ nuôi thả thủy sản vụ xuân hè, gia đình ông Động quyết định nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng với cá. Trong nuôi trồng thủy sản, ông đặc biệt chú trọng đến việc chọn mua con giống. Với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản nên ông Động hiểu con giống có tốt, chất lượng có đảm bảo thì việc nuôi trồng mới thuận lợi. Toàn bộ tôm giống thả vụ xuân hè năm nay ông đặt mua ở cơ sở có uy tín. Tuy rằng giá thành có cao hơn một chút nhưng mua được tôm giống chất lượng ông Động cũng yên tâm phần nào. Trước khi thả nuôi vụ mới, ông Động cũng không ngần ngại đầu tư hàng chục triệu đồng để cải tạo ao đầm với hy vọng vụ nuôi mới thắng lợi. Ông Trần Xuân Động, thôn Đức Cường, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải kể lại: “Năm nay, nhà tôi đầu tư cải tạo ao chi phí bỏ ra gấp 4 lần so với vụ nuôi trồng thủy sản vụ xuân hè năm trước. Nguyên tiền múc ao mất hơn 10 triệu rồi. Còn lại vôi, diệt tạp, xử lý mất 5 triệu nữa. Đến lúc thả được tôm hết gần 20 triệu…”
Không riêng gì gia đình ông Động mà hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản ở các huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải đã bỏ ra không ít tiền của, công sức đầu tư vào vụ nuôi xuân hè. Trên các vùng nuôi trồng thủy sản, hàng chục chiếc máy múc làm việc liên tục. Vậy nên chỉ trong vòng 1 tháng, công tác cải tạo ao đầm đã hoàn tất, sẵn sàng cho việc thả nuôi vụ mới.
Xử lý ao đầm trước khi nuôi thả ngay đầu vụ nuôi trồng thủy sản
Cùng với nỗ lực của người dân, năm 2015, tỉnh Thái Bình có cơ chế hỗ trợ vùng nuôi thủy sản ven biển về hóa chất trước khi bước vào vụ nuôi thả để xử lý môi trường. UBND tỉnh đã trích kinh phí hỗ trợ trên 11,1 tấn hóa chất cho 8 xã ven biển. Trong đó, các xã có diện tích nuôi thả tôm nhiều và thường xuyên xảy ra dịch bệnh trên thủy sản như: Đông Minh, Nam Cường ( huyện Tiền Hải); Thái Đô, Thụy Trường ( huyện Thái Thuỵ). Sự hỗ trợ thiết thực của UBND tỉnh tạo động lực, khích lệ các hộ nuôi trồng thủy sản ven biển yên tâm sản xuất. Ông Đỗ Khắc Bằng- Chủ tịch UBND xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy cho biết: “ Chủ trương của cấp ủy là tập trung chỉ đạo nhân dân có diện tích nuôi trồng thủy sản cải tạo ngay từ đầu năm. Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hỗ trợ địa phương lượng thuốc Clo để xử lý một số ao đầm công nghiệp. Do vậy, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở Thái Thượng đạt kỷ lục.”
Theo số liệu thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Thái Bình, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã nuôi thả được trên 249 triệu con tôm trên diện tích hơn 2.800 ha; diện tích bãi triều đã thả nuôi ngao là hơn 2.200/3.293 ha. Sau thả giống, các hộ dân tập trung chăm sóc, quản lý đối tượng nuôi đầu vụ.
* Ảnh hưởng nặng bởi thời tiết khắc nghiệt
Con giống tại các ao, đầm bị hao hụt do nắng nóng và mưa kéo dài
Trong quá trình nuôi thả, các hộ nuôi trồng thủy sản đã thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường để vật nuôi sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, do thời tiết chuyển mùa, hiện tượng nắng nóng, nắng nóng kết hợp với mưa lớn là nguyên nhân chính dẫn đến các yếu tố môi trường nuôi biến động vượt ngưỡng cho phép. Đặc biệt, với các ao nuôi có diện tích nhỏ, mực nước nông, mật độ nuôi cao, tôm nuôi thường xuyên bị sốc do môi trường bất lợi. Do đó, nhiều ao nuôi tôm ở các xã ven biển huyện Tiền Hải và Thái Thụy bị chết, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Bình, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải gương mặt sạm đen vì nắng và gió biển phân trần: “Năm nay, thời tiết không thuận lợi cho người nuôi trồng. Như mọi năm độ mặn từ 18-20 phần nghìn đảm bảo cho con tôm phát triển thì năm nay thời tiết nắng kéo dài, độ mặn trên 30 phần nghìn, con tôm không thể chịu nổi nên khó khăn cho người nuôi trồng.”
Hiện tượng tôm chết do bệnh đốm trắng gây thiệt hại gần 30 ha tại các xã nuôi trồng thủy sản của tỉnh
Thời điểm tháng 5 vừa qua, tại xã Đông Minh đã xảy ra hiện tượng tôm chết do bệnh đốm trắng. Đây cũng là địa phương thiệt hại nhiều nhất với gần 30 ha với hơn 13,7 triệu con. Cùng với Đông Minh, tại các xã Nam Cường, Nam Thịnh, Đông Hải (huyện Tiền Hải) và xã Thái Đô (huyện Thái Thụy) cũng xuất hiện tình trạng tôm chết. Tổng diện tích tôm chết trên địa bàn tỉnh Thái Bình gần 38 ha với trên 15 triệu con ( bằng 1,34% tổng diện tích nuôi tôm).
Cùng với những thiệt hại trong nuôi tôm thì nhiều diện tích nuôi ngao của nhiều hộ dân các xã Đông Minh, Nam Thịnh cũng bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng. Ông Vũ Trung Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh, Tiền Hải cho rằng: “ Trong tháng 5 và tháng 6, thời tiết nắng nóng kéo dài nên nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng lớn. Khi thời tiết nắng nóng, độ mặn nước biển dâng cao dẫn đến tỷ lệ ngao chết từ 12- 15 %.”
Chưa hết lao đao vì nắng nóng kéo dài thì người nuôi trồng thủy sản lại khốn khổ với những trận mưa không ngớt. Những ngày đầu tháng 8, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa lớn, bình quân xấp xỉ 250 mm. Mưa kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người nuôi trồng thủy sản các xã ven biển. Ông Tạ Văn Chương- thôn Tân Lập, xã Thái Đô, huyện Thái Thụy nói về thiệt hại do mưa gây ra: “ Nhà tôi có 1.800 m2, trong đó, có 1.200 m2 nuôi tôm. Trước khi mưa thì còn thấy có tôm, chứ sau mưa thì tôm ra đi hết. Diện tích nuôi tôm mất thì tôi nuôi cá rô phi vào. Từ giờ đến cuối năm chưa được xuất thì cũng có lứa cá gối vụ cho sang năm.”
* Giải quyết khó khăn
Kỹ sư Bùi Văn Trụ luôn túc trực để hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở tôm, ngao vụ xuân hè năm 2015
Trước tác động của thời tiết tới việc nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình đã kịp thời chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Sở và các hộ nuôi tăng cường biện pháp quản lý đối diện tích nuôi thả thủy sản. Chẳng quản nắng mưa, các kỹ sư của Chi cục Nuôi trồng thủy sản và Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông khuyến ngư Thái Bình thường trực tại xã để phối hợp với Trạm Thú y các huyện xử lý hiện tượng tôm chết. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở tôm, ngao trên các phương tiện thông tin đại chúng để các hộ nuôi trồng thực hiện nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, bảo vệ thành quả lao động của mình.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, thời tiết bất thường và có thể xảy ra mưa lớn kéo dài gây ngập lụt diện tích nuôi thả, Kỹ sư Bùi Văn Trụ- Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông khuyến ngư Thái Bình có khuyến cáo: “ Trong thời gian mưa lớn kéo dài, bà con nên chủ động biện pháp phòng tránh mưa. Kiểm tra bờ ao, xử lý hóa chất để tránh dịch bệnh cho diện tích nuôi thả của gia đình, đồng thời, tránh thất thoát đối tượng nuôi trồng khi bị mưa bão, ngập lụt”.
Thu hoạch tôm vụ xuân hè
Còn riêng với địa phương đã chủ động các biện pháp phòng chống mưa bão cho diện tích nuôi trồng thủy sản, ông Trần Văn Hoàn - Phó Chủ nhiệm vùng Nuôi trồng thủy sản xã Thái Đô, huyện Thái Thụy cho biết: “ Để triển khai xử lý trước khi mưa và sau khi mưa, hàng tháng mỗi đợt lấy nước, chúng tôi đều thông báo với bà con chuẩn bị vôi trước khi mưa vứt vôi xung quanh bờ. Sau khi mưa té nước bảo vệ cho con tôm, con cá. Khi mưa lớn, Ban Quản lý kết hợp ông thủ cống ra nước rất điều hòa nên có thể tráng gây úng lụt cho vùng nuôi trồng thủy sản”.
Bên cạnh sự vào cuộc của ngành nông nghiệp thì các hộ dân cũng đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tích cực đầu tư, ứng dụng Khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để việc nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững. Ông Đỗ Quang Bốn, xã Thái Thượng, Thái Thụy chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm hiệu quả trong nhiều năm của gia đình: “ Để tiếp tục giữ con tôm ổn định thì phải chăm sóc kỹ càng để sức đề kháng của con tôm tối đa nhất. Thường xuyên bổ sung các yếu tố để môi trường ổn định thì con tôm sẽ vượt qua thời tiết khắc nghiệt.”
Với sự vào cuộc của ngành nông nghiệp, sự chủ động của mỗi hộ nuôi trồng thủy sản, những khó khăn cũng đã dần được khắc phục. Và những ngày này, bà con ở các vùng nuôi trồng lại tất bật thu hoạch vụ tôm xuân hè. Tôm năm nay bán được giá nên nông dân cũng phấn khởi hơn. Ông Đỗ Khắc Bằng- Chủ tịch UBND xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy cho biết: “ 6 tháng đầu năm, tôm thẻ chân trắng chúng tôi thu được trên 50 tấn. Đây là kết quả đáng mừng cho Đảng bộ và nhân dân Thái Thượng.”
Có thể thấy rằng nuôi trồng thuỷ sản ở các xã ven biển vẫn còn khó khăn. Các địa phương ven biển của tỉnh Thái Bình đang tiếp tục phát huy lợi thế sẵn có để đưa nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.