Ngư dân chủ quan
Thiếu phao cứu sinh là thực trạng đáng báo động của nghề cá Quảng Nam. Đáng lo nhất là các tàu câu mực khơi, sản xuất 2 - 3 tháng trời/chuyến biển ở ngư trường Trường Sa nhưng chỉ có vài phao cứu sinh. Bởi vậy, khi tàu cá bị chìm do thiên tai, các ngư dân chỉ có thể thoát ra, bám víu vào các thùng, phuy đựng dầu, lênh đênh trên biển cho đến khi được ứng cứu.
Được ngành chức năng đưa trở về đất liền sau khi tàu câu mực khơi QNa-95654 bị chìm do dông lốc ở ngư trường Trường Sa, ngư dân Tô Điệp (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình) cho biết: “May mà bám víu vào thùng phuy chứa dầu và được ngư dân Quảng Ngãi ứng cứu kịp thời chứ không thì chúng tôi đã mãi nằm lại trên biển. Có xảy ra tai ương mới thấy tầm quan trọng của phao cứu sinh”.
Một trường hợp khác, gia đình anh Phan H. (thôn Hòa An, xã Tam Giang, Núi Thành) bàng hoàng khi nghe tin anh bị mất tích trên biển sau khi thúng câu mực khơi bị sóng dữ đột ngột đánh úp. Theo các ngư dân, nếu mang theo áo phao, có thể anh H. vẫn nổi trên mặt nước khi gặp nạn và được các thuyền viên khác đến ứng cứu.
Để có phao cứu sinh, ngư dân không phải tốn nhiều chi phí nhưng do chủ quan, họ không trang bị. Theo Sở NN&PTNT, trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh là yêu cầu bắt buộc trước khi tàu cá được xuất bến. Tuy vậy, nhiều khi dễ dãi, các lực lượng biên phòng, thủy sản vẫn để ngư dân điều tàu ra khơi khi thiếu các trang bị nói trên. Rõ ràng, cả ngành chức năng và ngư dân cần quan tâm hơn đến việc trang bị áo phao, phao cứu sinh, vì những chuyến biển an toàn cho người và phương tiện.
Tăng cường kiểm tra
Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Khai thác & phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, khi kiểm tra đột xuất, hầu hết tàu cá đều không mang theo thiết bị cứu sinh theo quy định. Số ít tàu cá, dù trang bị đầy đủ phao, áo phao nhưng chủ tàu lại cất các thiết bị dưới hầm chứ không đặt tại những vị trí dễ dàng sử dụng ngay như mạn tàu, boong tàu... theo quy định. Việc ngư dân chưa chú trọng trang bị thiết bị cứu sinh khi vươn khơi không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn về tính mạng của bản thân mà còn vi phạm các quy định về an toàn hàng hải. Do vậy, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra trang thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải trên tàu cá và tập trung tuyên truyền, vận động về tầm quan trọng của thiết bị cứu sinh đến ngư dân.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để đảm bảo an toàn cho tàu cá khi sản xuất trên biển, ngoài áo phao, phao cứu sinh, ngư dân cần trang bị đầy đủ máy VX1700, các loại máy Icom tầm trung, tầm xa, tầm ngắn. Có vậy, ngư dân sẽ nhận các tin báo bão, áp thấp nhiệt đới từ các đài duyên hải, được hướng dẫn điều tàu cá tránh trú bão từ ngành chức năng cũng như liên lạc với các tàu cá khác để được ứng cứu kịp thời khi không may xảy ra sự cố trên biển. Ngoài ra, các chủ tàu cá cần trang bị các thiết bị hàng hải khác là máy định dạng, định vị để ngành chức năng, các tàu cá cùng ngư trường dễ dàng xác định vị trí, tọa độ của tàu cá khi không may gặp nạn, nhanh chóng đến nơi hỗ trợ, ứng cứu hay lai dắt về bờ.
“Năm nay dự báo trên biển có nhiều cơn bão lớn nên ngư dân cần thận trọng với mỗi chuyến biển, nhất là sản xuất xa bờ. Ngư dân cần nương tựa vào các tổ đoàn kết sản xuất trên biển để kịp thời ứng cứu, tương trợ lẫn nhau khi không may gặp sự cố. Ngành chức năng luôn đồng hành, tiếp sức, giúp đỡ ngư dân” - ông Ngô Tấn nói.