Ông “vua” cá tra
Hớp một ngụm cà phê đá tại quán cà phê Rita trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5, TP.HCM, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương chia sẻ: sở dĩ Hùng Vương có ngày hôm nay, điều đầu tiên phải nói đến đó là công ty thành công trong việc duy trì và giữ vững chất lượng sản phẩm phi lê cá tra xuất khẩu.
Trong suốt mười năm qua, chất lượng sản phẩm cá tra của Hùng Vương xuất khẩu ra thế giới luôn ổn định, được các nhà nhập khẩu, nhất là các khách hàng bán lẻ ở hệ thống siêu thị hài lòng. Dấu ấn thứ hai của chặng đường phát triển mười năm của Hùng Vương phải kể đến, đó là mốc khởi điểm năm 2006 sau khi công ty chuyển sang thành công ty cổ phần. Ông Minh cho rằng, đây là hoạt động rất quan trọng, góp phần tăng vốn từ các nhà đầu tư tham gia vô, giúp Hùng Vương thực hiện kế hoạch đầu tư mạnh, sâu hơn vào lĩnh vực nuôi trồng và chế biến xuất khẩu.
Nhớ lại những năm sóng gió khi Hùng Vương vừa mới cổ phần, người đứng đầu Hùng Vương nói: “các doanh nghiệp khác dùng tiền phát hành cổ phiếu đầu tư sai mục đích, còn chúng tôi không làm địa ốc, chứng khoán mà tập trung đầu tư nuôi trồng, chế biến thức ăn, nâng cấp sữa chữa nhà máy, thiết bị!”.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, chuyên sâu vào một lĩnh vực mà mình có ưu thế, nên Hùng Vương được hưởng ba cái lợi, thứ nhất là chi phí giá thành thức ăn thấp, thứ hai là nuôi trồng chủ động nguyên liệu, giá thành thấp hơn bên ngoài 5-10% và thứ ba là chất lượng nguyên liệu đầu vào tốt hơn. Cho đến nay, ngoài Hùng Vương, chưa có nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra nào lại có thể đưa ra được chất lượng nuôi trồng ổn định, chất lượng cá chế biến cao hơn 10-20% và tỷ lệ chế biến ra thành phẩm đạt cao hơn so với cá sử dụng nguồn thức ăn khác từ 5-10%.
Với kết quả kinh doanh liên tục năm sau cao hơn năm trước cùng sự tăng trưởng mạnh mẽ, Hùng Vương đã ngoạn mục vượt qua thách thức. Nếu như năm đầu tiên mới thành lập 2003, doanh số của Hùng Vương chỉ đạt vỏn vẹn 8 tỷ đồng, thì đến 2012, Hùng Vương xác lập kỷ lục doanh thu 8.000 tỷ đồng, tăng gấp 1.000 lần và lợi nhuận trước thuế đạt 322,3 tỷ đồng, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 13,11%. Đặc biệt, Hùng Vương là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm các doanh nghiệp cổ phần duy trì liên tục chia cổ tức bằng tiền mặt kể từ khi chính thức lên sàn.
Ở Hùng Vương, việc tăng doanh thu luôn gắn liền với tăng lực lượng lao động. Từ con số 300 cán bộ nhân viên ngày đầu thành lập, đến nay lao động làm việc tại Hùng Vương tăng hơn 40 lần với đội ngũ trên 12.000 người. Mục tiêu đề ra cho năm nay, Hùng Vương dự kiến đạt 12.000 tỷ đồng doanh số, lực lượng lao động đạt 15.000 người. Trung hạn, Hùng Vương muốn là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trong ngành thủy sản có doanh số tính bằng tỷ USD vào năm 2015.
Khởi nguồn từ con người
Hơn 30 năm lăn lộn với ngành chế thủy sản đông lạnh xuất khẩu, ông Dương Ngọc Minh cho biết bản thân ông hiểu rất rõ giá trị cốt lõi tạo nên sức mạnh công ty đó là con người. Ông có thói quen ngồi “đồng” duy nhất ở một quán cà phê. Lúc ông nhâm nhi ly cà phê đá dão cũng là lúc ông đang tư duy công việc. Ông Minh có thể thể ngồi phân tích say sưa về con cá tra suốt cả buổi, nhưng bất chợt ông có thể bấm điện thoại gọi cho bất kỳ vị giám đốc nhà máy nào để chất vấn về công việc mà họ đang đảm nhận.
Trao đổi với người viết, ông cho biết, quan niệm của ông là một người lãnh đạo không thể quản lý hết số lao động lên tới hàng chục ngàn người, nên kinh nghiệm ở Hùng Vương là nắm sâu sát cán bộ chủ chốt. Có tới 99% cán bộ chủ chốt đang làm việc ở Hùng Vương là sinh viên đại học ra trường, đây là lực lượng có kiến thức, công ty chỉ cần tốn thêm một ít chi phí đào tạo là họ có thể đảm nhận vai trò quản lý như nhân viên bán hàng được đào tạo thông qua các chương trình hội chợ nước ngoài để họ có tiếp xúc, trau dồi kiến thức thương mại.
Bên cạnh cán bộ quản lý chủ chốt là lực lượng lao động. Hùng Vương luôn coi đây là lực lượng nòng cốt tạo ra doanh số của công ty nên các chính sách dành cho họ trong suốt 10 năm qua được chăm lo ở mức cao nhất. Qua khảo sát đánh giá của ban giám đốc thủy sản Hùng Vương, với số lao động có thời gian làm việc trên 5 năm trở lên thì thu nhập bình quân một năm trên dưới 100 triệu đồng. Còn cán bộ chủ chốt thu nhập trung bình cũng không dưới 500 triệu đồng/năm.
Ông chủ Hùng Vương cho biết thêm, khác với doanh nghiệp khác ở chỗ không vung tiền tuyển chọn người bên ngoài về đảm nhận các chức vụ cấp cao trong công ty mà Hùng Vương thực hiện chiến lược đạo tạo tại chỗ từ dưới đưa lên bởi như thế người lao động có thuận lợi nắm bắt được hết hoạt động công ty và họ còn được tham gia với ban giám đốc để tránh được các lỗi, qua đó có thể sữa sai ngay được từ đầu.
Tiết lộ về người lãnh đạo thay mình trong tương lai, ông Minh không ngần ngại công bố: tôi không cần người trong gia đình mình thay thế tôi lãnh đạo công ty. Hiện nay, đội ngũ cán bộ trong tập đoàn Hùng Vương lúc nào cũng có người đủ khả năng để thay tôi điều hành công việc được. Người thay thế tôi có rất nhiều, trong dàn giám đốc ở nhà máy, thậm chí các phó giám đốc cũng có đủ các yếu tố nhưng tôi sẽ chọn ai có uy tín nhất. Số này tôi đã dự kiến có khoảng gần chục người.